Ngày 24-04-2024 04:16:14
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6686199
Số người online: 8
 
 
 
 
Giới thiệu công trình CNTT trong giáo dục:
 
“Phiên dịch toàn bộ chương trình, SGK bậc THPT sang Bài giảng điện tử e- Learning”

      SỞ GD & ĐT TP.ĐÀ NẴNG                        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

         TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG                              Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

            

 

              Số: 17  / TL - QT            Đà Nẵng, ngày 03  tháng 3  năm 2012

 

ĐỀ TÀI THAM LUẬN

 

Giới thiệu công trình CNTT trong giáo dục:

“Phiên dịch toàn bộ chương trình, SGK bậc THPT

sang Bài giảng điện tử  e- Learning”

 

Người báo cáo: Phạm Sỹ Liêm.

Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung-TP.Đà Nẵng

                                              

   Kính thưa quý vị đại biểu,

   Kính thưa quý Thầy Cô giáo trong hội thảo.

 

Được sự phân công của Ban Tổ chức hội thảo, chúng tôi đại diện trường THPT Quang Trung thành phố Đà Nẵng xin báo cáo một công trình CNTT trong giáo dục là “Phiên dịch toàn bộ chương trình, SGK bậc THPT sang Bài giảng điện tử e- Learning”

 

I.              Phần đặt vấn đề

 

Kính thưa quý vị,

 

Khi đánh giá về sự giàu có của một quốc gia, người ta căn cứ vào GDP của quốc gia đó. Ví dụ năm 2010, GDP của Việt Nam là 103,4 tỉ USD, của Hàn quốc là 1014,5 tỉ USD, so sánh ta thấy GDP của Hàn Quốc cao gấp gần 10 lần GDP của Việt Nam. Nếu kể thêm về dân số năm 2010, Việt Nam là gần 88 triệu, Hàn quốc là gần 50 triệu .

 Vấn đề đặt ra là tại sao hai đất nước như Việt Nam và Hàn Quốc trước đây đều nghèo như nhau, mà hiện nay họ là giàu có gấp 10 lần nước ta?

        Thưa quý vị, ngày nay người ta còn có một thước đo mới mẽ hơn là so sánh sự giàu nghèo cuả một quốc gia bằng chất lượng giáo dục của quốc gia đó. Hãy nghiên cứu chất lượng giáo dục của Hàn Quốc thế nào mà họ giàu  gấp 10 ta như thế ? Chúng ta này xem một thông tin mà báo chí của ta vừa mới đưa:

 “Chính quyền Hàn quốc đã số hóa toàn bộ chương trình giáo dục quốc gia. Cho đến trước năm 2015, Hàn quốc muốn phân phối toàn bộ nội dung sách giáo khoa thông qua máy tính. Giáo dục thông minh sẽ thay cách thức chúng ta học từ SGK. Ông Lee Bộ trưởng Bộ giáo dục, khoa học và công nghệ Hàn quốc đã khẳng định như thế. Sự thay đổi từ SGK truyền thống sang những cuốn sách giáo khoa điện tử cho phép học sinh không phải mang những chiếc cặp nặng nề đến lớp và còn giúp các em khám phá thế giới bên ngoài lớp học. Bộ trưởng Lee cho biết đây là dự án “giáo dục thông minh” theo yêu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, chính phủ ủng hộ việc mở một thị trường giáo dục nhằm đa dạng hóa nội dung học tập với mục tiêu nâng cao chất lượng. Dự án đã được khởi động, bao gồm các hệ thống mạng không dây trong tất cả các trường học, cho phép học sinh học bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào.”

 

Kính thưa quý vị.

 

Nền giáo dục Vịêt Nam chúng ta có nên thực hiện như nền giáo dục Hàn Quốc không? Ai làm và làm cụ thể như thế nào? Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT Việt nam đã có nhiều chủ trương nâng cao chất lượng, đã tốn rất nhiều công sức và tiền của, nhưng chất lượng chưa cao, chưa theo kịp các nước trong khu vực. Chúng ta biết Bộ GD&ĐT có chủ trương đưa CNTT vào trường học, nhưng số lượng  và chất lượng chưa nhiều, chưa có các chủ trương đột phá như ở Hàn quốc.

 

II. Phần giải quyết vấn đề

        Bản thân tôi tuy nay đang làm công tác quản lý, nhưng trước đó tôi có một thời gian dài dạy Toán phân ban hẹp trước và và phân ban rộng sau 1975, nên tôi có một khát vọng là phải cố gắng tìm ra một phương án tối ưu nhất để đổi mới từ một nền giáo dục truyền thông Vịêt Nam hiện nay mà  chủ yếu giáo viên lên lớp với viên phấn và bảng đen sang một nền giáo dục tiên tiến, để sánh vai với các nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới như đất nước Hàn Quốc, từ đó làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam ta. Do đó chúng tôi, cùng tập thể giáo viên trường THPT Quang Trung đã tìm hiểu nền giáo dục Hàn Quốc vì lý do gì mà họ đưa đất nước họ giàu gấp 10 nước ta?. Qua nghiên cứu, Hàn quốc đã sử dụng một phần mềm Lecture Maker để số hoá sách giáo khoa của họ từ những trang sách có tính chất "tĩnh" thành những trang sách có tính chất "động" , qua đó tất cả các lời giảng bài của giáo viên trên lớp được thu thu lại để trở thành để trở thành các bài giảng điện tử. Nếu tất cả các trang SGK được phiên dịch toàn bộ sang các bài giang điện tử thì sẽ được một cuốn SGK điện tử. Nếu chương trình bậc THPT có bao nhiêu cuốn SGK mà đã nhiên dịch hết sang SGK điện tử thì sẽ có được một bộ sách giáo khoa điện tử bậc THPT của nước đó.

    Trên cơ sở đó, trường THPT Quang Trung trên cơ sở 11 cuốn SGK giấy bậc THPT hiện hành, hiệu trưởng và toàn bộ giáo viên 11 môn học đã  làm việc cật lực ngày đêm và đã số hóa được toàn bộ sách giáo khoa bậc trung học phổ thông, cụ thể đã phiên dịch toàn bộ chương trình, SGK giấy bậc THPT sang các bài giảng điện tử e-Learning, đồng thời chúng tôi đã đưa lên mạng công trình này ở địa chỉ website của trường Quang Trung với hai tên miền:

                                http://thptquangtrung.vn

                     hay  http://thpt-quangtrung-danang.edu.vn

        Công trình này bao gồm khoảng 5.000 bài giảng điện tử e-Learning hay bài giảng e-Learning ( viết tắt Bg-eL) cho 3 khối 10, 11, 12, mỗi khối lớp bao gồm 11 môn học là Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD,  Tiếng Anh.

        Công trình được soạn từng tiết học theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT và được cụ thể hóa bằng phân phối chương trình của Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng. Hơn thế nữa, do trường Quang Trung dạy ngày hai buổi, chúng tôi đã tăng gấp đôi số tiết dạy của năm môn chính là Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh, nên trường có một phân phối chương trình riêng, trong đó phần chính khóa là phân phối chương trình  của Sở GD&ĐT Đà Nẵng và phần còn lại gồm các tiết phụ đạo, nâng cao, ôn thi tốt nghiệpTHPT, ôn thi vào Đại học, Cao đẳng.

Với đặc điểm trường Quang Trung đã đưa CNTT không những vào trường mà vào từng lớp học, có nghĩa là tất cả các lớp học của trường đều có máy vi tính, máy chiếu, và các dụng cụ hỗ trợ. Ở mỗi tiết dạy đều được chiếu phần chữ và hình ảnh lên màn hình,  đồng thời lời giảng của giáo viên được phát  trên loa, có cả  các hoạt động của thầy và trò trên lớp. Ở mỗi tiết dạy, chúng tôi soạn theo 5 bước lên lớp gồm: ổn định lớp, kiểm tra bài cũ , dạy bài mới, củng cố và hướng dẫn học ở nhà. Ở mỗi bước, chúng tôi đều chỉ đạo thống nhất theo một mô hình riêng như sau:

- Ở bước Ổn định lớp (1 phút): giáo viên phải biết được sĩ số lớp, tên học sinh vắng để nhắc nhở các học sinh này  phải tự chép bài lại và biết tự học ở nhà để tiết sau giáo viên kiểm tra.

- Ở bước Kiểm tra bài cũ (4 phút): Kiểm tra việc học bài tiết trước của học sinh, và thường là 3 câu hỏi hướng dẫn về nhà của tiết học trước. Sau khi dò bài, giáo viên đánh giá cho điểm, sẽ có thêm một slide đáp án.

- Ở bước Dạy bài mới (35 phút): Với thời lượng 35 phút, chúng tôi chỉ đạo giáo viên chỉ soạn khoảng 20 phút, thời gian 15 phút còn lại là các hoạt động của thầy và trò trên lớp bằng các câu hỏi và trả lời, giáo viên dạy theo phương pháp truyền thống với viên phấn và bảng đen.

- Ở bước Củng cố (2 phút): Tuy ngắn nhưng là phần quan trọng, giáo viên đúc kết các nội dung cơ bản của tiết dạy, để học sinh dễ thuộc, nhớ lâu và có thể nhớ suốt đời, được xem như một đơn vị kiến thức với quan điểm: “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã mất”.

- Ở phần Hướng dẫn học ở nhà (3 phút): Ngoài việc nhắc nhở học sinh học lí thuyết, làm bài tập SGK, còn đưa ra 3 câu hỏi dễ, trung bình và khó theo 3 đối tượng để làm căn cứ dò bài ở tiết sau.

 

III. PHẦN MINH HỌA

Mời quí vị vào website của trường  http://thptquangtrung.vn

để chúng tôi báo cáo công trình này của trường Quang Trung.

1.Từ khi Bộ GD&ĐT có chủ trương đưa CNTT vào trường học, thì nhiều trường THPT đã xây dựng phòng CNTT, phòng bộ môn, có trang bị máy chiếu và có đưa học sinh một số lớp đến dạy. Tuy nhiên số lần học sinh được học còn rất thấp, phần mềm được dạy bằng Word hay PowerPoint, được trình chiếu trên màn hình với cỡ chữ lớn hơn, kèm theo nhiều hiệu ứng, hình ảnh, video. Tuy nhiên không có phần tiếng, nên giáo viên phải giảng như dạy truyền thống.

2.Trường Quang Trung cũng hưởng ứng chủ trương này, và muốn số lần các học sinh được học bằng CNTT nhiều hơn, nên nhà trường ra quyết tâm trang bị cho các phòng học máy tính, máy chiếu và các dụng cụ hỗ trợ, nghĩa là muốn đưa CNTT đến từng lớp học. Đến nay đã là năm thứ tư, (để dễ nhớ chúng tôi gọi năm 1 là năm học 2008-2009, năm 2 là 2009-2010, năm 3 là 2010-2011, năm 4 là 2011-2012). Ở năm thứ nhất, sau khi trang bị máy chiếu các lớp, trường có tổ chức “Ngày hội CNTT” để các tổ trình chiếu bài dạy điện tử bằng PowerPoint kèm theo giảng miệng qua loa, có mời các trường trong thành phố tới dự, về phía Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng có đ/c Vũ Đình Chuẩn hiện là vụ trưởng vụ giáo dục trung học, khi đó là phó giám đốc Sở về dự. Sau đó năm 1 và năm 2, trường dạy đại trà bằng PowerPoint và đã đưa lên mạng ở THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ.

Minh họa 1 môn Lý: Tuần 24, Tiết 44.Bài 26- Các loại quang phổ.ppt

Minh họa 2 môn Ngữ Văn: Tuần 24: Vợ chồng A Phủ.ppt

Ngoài ra trong thư viện điện tử còn có Ngân hàng Câu trắc nghiệm, Tài liệu ôn tập, Đề thi.

2. Rất may đến cuối năm thứ 2, Bộ GD&ĐT có tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng e-Learning, trong đó ngoài phần chữ còn có lồng tiếng giảng bài của giáo viên. Chúng tôi họp hội đồng và hạ quyết tâm soạn và giảng trên lớp thay vì PowerPoint sẽ dùng e-Learning. Chặng đường này cũng thật gian nan, do thời gian báo cáo hạn chế nên chúng tôi không nói được ở đây. Đầu năm thứ 3, trường đã đưa Bg-eL vào dạy đại trà. Ở học kỳ I năm thứ ba, chúng tôi thấy có vài tồn tại, nổi lên là dung lượng là một bài giảng khá lớn từ 20MB đến 100MB, và như vậy sức chứa của máy chủ không còn (chỉ cho 25GB, các Website khác chỉ 0,5 MB), nên bắt buộc chúng tôi phải nghiên cứu giảm dung lượng nhưng nội dung vẫn không thay đổi. Đến học kỳ II năm thứ 3, chúng tôi đã thành công về việc giảm dung lượng này.

Minh họa: Bài giảng e- Learning HK II

Minh họa 1: Toán :Tuần 20 - Tiết 25 Hà Giang (trang 3)

Minh họa 2: Văn : Tuần 27 - Thuốc, cô Thân (trang 11)

3. Đầu năm thứ tư (2011-2012)

Qua một năm đưa toàn bộ chương trình SGK của 11 môn học cả ba khối lớp lên mạng với Bg-eL, trường rút kinh nghiệm và chỉ đạo giáo viên phải soạn lại từ đầu để tăng cường chất lượng giảng dạy. Qua HK II, trường có văn bản hướng dẫn soạn và giảng Bg-eL và sau đó  có văn bản xếp loại Bg-eL theo 4 loại: yếu, trung bình, khá và tốt, để giáo viên đổi mới phương pháp dạy trên lớp, biết tạo ra nhiều tình huống, nhiều câu hỏi và trả lời giữa thầy trò, giảng dạy theo nhóm, soạn và giảng các bài tập trắc nghiệm, các bài ôn thi TN THPT và vào Đại học Cao đẳng. Mục đích giúp các em tư duy và phát huy tính sáng tạo.

Minh họa: Vào Bài giảng e- Learning CN ( HK I )

Minh họa 1: Toán :Tuần 26, Tiết 57, GT12  Hà Giang

Minh họa 2: Tiếng Anh: Tuần 25, Tiết 68, Anh 12, cô Nhung

 

 

Kính thưa quý vị.

Một vấn đề đặt ra là: có phải Bg-eL chỉ trình chiếu mà thiếu các hoạt động thầy trò trên lớp hay không? Thực tế ở học kỳ 2 năm nay, trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường chất lượng bài giảng bằng cách đặt ra nhiều tình huống, nhiều câu hỏi để học sinh tư duy, kích thích tính sáng tạo của học sinh, cuối cùng mới trình chiếu Slide đáp án. Ngoài ra trong thời gian trình chiếu các Slide, giáo viên sẽ đi đến từng học sinh để kiểm tra việc ghi bài, hay kiểm tra trật tự lớp, từ đó tăng cường chất lượng giảng dạy trên lớp hơn là lời dạy truyền thống bằng viên phấn với bảng đen.

Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không thuyết minh tiếp, vì nếu trình bày rõ công trình thì phải mất nhiều ngày.

 

 

IV. KẾT LUẬN

1.Để xem và nghe được Bg-eL, máy vi tính phải cài phần mền Lecture Maker được hướng dẫn ở phần thông báo bên phải của Website “Cài phần mền Lecture Maker để xem, nghe và soạn Bg-eL”

2.Các ưu điểm của công trình này là:

a.     Là công cụ cho học sinh tự học ở nhà: Trường Quang Trung thường đưa lên mạng trước một tuần, do vậy học sinh có thể học tham khảo trước ở nhà trước khi được học trên lớp. Còn nếu Bg- eL ở lớp các em chưa rõ thì về nhà các em có thể xem và nghe lại trên máy vi tính. Đặc biệt hơn, sau một thời gian dài, khi các em ôn tập, các sẽ được tái hiện lại toàn bộ Bài giảng của thầy cô trên lớp.

b.    Công trình này dưới dạng mở, học sinh vào học không cần password hay đăng ký thành viên, không tốn một lệ phí nào.

c.     Công trình này giúp học sinh không những ở thành phố, mà còn giúp các học sinh ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, ở hải đảo có thể học và tham khảo.

d.    Công trình này giúp học sinh Việt nam trên toàn thế giới khi có nhu cầu học chương trình Việt mà không cần phải về Việt Nam học. Ngoài ra còn giúp cho người nước ngoài muốn tham khảo học hỏi chương trình bậc THPT của Việt Nam.

e.     Do việc soạn bài của trường Quang Trung là bám sát SGK, được soạn theo chuẫn kiến thức và chuẫn kỹ năng, có thêm nhiều tiết phụ đạo, bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi vào đại học cao đẳng, nên các em nếu vào đây để học thì có thể  không cần phải đi học thêm, giải quyết được các bức xúc của xã hội về việc dạy thêm học thêm.

f.     Website trường còn giới thiệu nhiều tài liệu ôn tập học kỳ, ôn thi đại học cao đẳng công phu, các loại đề thi.

g.    Công trình này chúng tôi có báo cáo với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ( Xem Góc Văn học, phần Giáo viên)

 

 

3.Do đặc thù là người mở đường, nên công trình này chắc còn nhiều thiếu sót, kính

mong Quý đồng nghiệp góp ý để ngày được hoàn thiện hơn.

 

Chúc Quý vị sức khỏe và xin trân trọng kính chào!

 

                                                Người báo cáo

                                                Phạm Sỹ Liêm

                    Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, TP Đà Nẵng

                       Điện thoại: DĐ: 0913 430 033; CĐ 05113 691 445

                       E-mail: phamsyliemdn@yahoo.com.vn

                                    quangtrungthpt@yahoo.com                  

                        Website:  http://thptquangtrung.vn

 

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn