Ngày 26-04-2024 06:33:10
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6687317
Số người online: 17
 
 
 
 
Tin tức về Kỳ Thi THPT quốc gia măm 2016:
 
- Khu vực thi - Tự ôn thi - Quy chế thi THPT quốc gia.
  Bộ GD-ĐT công bố bảng phân chia khu vực tuyển sinh 2016

1/  Chiều ngày 30/3,

 Bộ GD-ĐT công bố bảng phân chia khu vực tuyển sinh 2016.

 Các thí sinh căn cứ vào bảng phân chia này để ghi vào hồ sơ đăng ký dự thi cho đúng với quy định, tránh thiệt thòi về sau.
 >> Những lưu ý quan trọng trước khi làm hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia 2016
 >> Cách ghi 19 mục trong Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016

Bảng phân chia khu vực tuyển sinh 2016 của 64 tỉnh, thành XEM TẠI ĐÂY

Cụ thể, khu vực tuyển sinh thuộc Thành phố Hà Nội gồm:

Khu vực 1:

Gồm: 7 xã Ba Trại, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (thuộc huyện Ba Vì); 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Thạch Thất); 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn (thuộc huyện Quốc Oai); 1 xã Trần Phú (thuộc huyện Chương Mỹ); 1 xã An Phú (thuộc huyện Mỹ Đức).

Khu vực 2: Huyện Thanh Trì; Huyện Gia Lâm; Huyện Đông Anh; Huyện Sóc Sơn; Thị xã Sơn Tây; Huyện Ba Vì; Huyện Phúc Thọ; Huyện Thạch Thất; Huyện Quốc Oai; Huyện Chương Mỹ; Huyện Đan Phượng; Huyện Hoài Đức; Huyện Thanh Oai; Huyện Mỹ Đức; Huyện Ứng Hoà; Huyện Thường Tín; Huyện Phú Xuyên; Huyện Mê Linh.

(Trừ một số xã ở khu vực 1 thuộc KV1 của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức)

Khu vực 3: Quận Ba Đình; Quận Hoàn Kiếm; Quận Hai Bà Trưng; Quận Đống Đa; Quận Tây Hồ; Quận Cầu Giấy; Quận Thanh Xuân; Quận Hoàng Mai; Quận Long Biên; Quận Bắc Từ Liêm; Quận Hà Đông; Quận Nam Từ Liêm.

Khu vực TP.Hồ Chí Minh gồm:

Khu vực 2: Gồm các huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè

Khu vực 3: Gồm các quận: 1, 2, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân

Bảng phân chia khu vực tuyển sinh 2016 của 64 tỉnh, thành XEM TẠI ĐÂY

Về các tiêu chuẩn ưu tiên theo vùng miền quy định tại khoản 1 Điều 36 của Quy chế thi, Bộ GD-ĐT cho biết, danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, còn hiệu lực thi hành.

Danh mục các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc.


 2/  Xung quanh vấn đề ôn tập cho học sinh, Tuổi Trẻ trao đổi với TS Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT.

Học sinh cần rèn khả năng tự học
Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong tiết học sử - Ảnh: N.Hùng

* Theo ông, khi nào thì các nhà trường được phép tăng tiết ôn tập với 8 môn thi? Việc học hết chương trình lớp 12 như quy định rồi mới ôn tập có quá trễ không?

- Theo định hướng đề thi THPT quốc gia, ngoài các kiến thức căn bản, nền tảng sẽ có một tỉ lệ nhất định các câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng kiến thức ở những mức độ khác nhau.

Những câu hỏi này mang tính phân hóa nhằm mục đích sàng lọc, phục vụ cho công tác xét tuyển ĐH-CĐ dựa vào kết quả thi THPT của thí sinh. Vì vậy, để học sinh có thể đạt được kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào ĐH-CĐ, các nhà trường phải cho học sinh tự ôn tập theo hướng này.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, các nhà trường, thầy cô giáo phải chú trọng việc rèn cho học sinh năng lực tự học, tự ôn tập trong cả quá trình học, sau mỗi chương của môn học, ôn tập giữa kỳ, cuối kỳ chứ không dồn vào cuối năm học, trước kỳ thi.

Cũng nằm trong định hướng đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo trong nhiệm vụ năm học, yêu cầu các nhà trường tăng cường những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thiết kế chương trình học theo hướng giúp học sinh làm quen với các kỹ năng phân tích, hệ thống hóa kiến thức, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề đặt ra, liên hệ với thực tế cuộc sống...

Hiện nay, các nhà trường đều nắm được chỉ đạo này. Nếu thực hiện đúng thì ngay trong quá trình dạy học, học sinh đã được rèn luyện, ôn tập rồi.

Còn việc tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12, các trường THPT cần xây dựng kế hoạch phù hợp nhưng phải tuân thủ quy định, đảm bảo hoàn thành chương trình lớp 12; kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT không cho phép các nhà trường cắt xén chương trình, học dồn các môn học, để dành thời gian cho học sinh ôn tập sớm hơn, không đảm bảo chất lượng.

Trong giai đoạn ôn tập cuối cùng, các nhà trường cần tổ chức phân loại trình độ học sinh để có giải pháp phụ đạo đối với học sinh yếu kém, học sinh hổng kiến thức một số môn học.

Các trường có thể tổ chức cho học sinh ôn thi theo môn mà các em lựa chọn, học sinh có nhu cầu ôn tập, phụ đạo không bắt buộc ngoài giờ học chính khóa với 8 môn thi.

Học sinh cần rèn khả năng tự học
TS Vũ Đình Chuẩn - Ảnh: N.Khánh

* Nhiều trường THPT cho rằng với một kỳ thi có nhiều thay đổi, Bộ GD-ĐT cần công bố cấu trúc đề thi hoặc định hướng cụ thể hơn về nội dung đề thi, phạm vi kiến thức có thể ra đề thi. Ông có thể chia sẻ về việc này?

- Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi, không giới hạn kiến thức trong chương trình. Đề thi THPT quốc gia năm 2016 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi tiếp tục sử dụng các câu hỏi với bốn mức yêu cầu là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Đặc biệt sẽ tăng tỉ lệ các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời, chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này cũng đúng với định hướng bộ đã yêu cầu các trường phổ thông thực hiện về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá những năm qua.

Vì vậy, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, ôn tập thêm theo các chuyên đề, theo hướng dẫn của giáo viên nhằm hệ thống kiến thức, biết cách vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề đặt ra.

* Đề thi các năm gần đây đều có câu hỏi mở để thí sinh có thêm điểm, cạnh tranh vào các trường ĐH-CĐ. Nhưng giáo viên vẫn lúng túng với việc “mở” thế nào, “mở” đến đâu để ôn tập cho học sinh. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể gì cho loại câu hỏi này?

- Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn giáo viên phổ thông qua các đợt tập huấn về việc biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với bốn mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như yêu cầu của đề thi trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015.

Đồng thời, bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Câu hỏi mở thường đưa vào đề thi các môn khoa học xã hội, khuyến khích thí sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, tình cảm về những vấn đề thời sự của quê hương, đất nước, các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Việc này cũng phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Qua thực tế dạy học, kiểm tra, đánh giá, qua các hội thi mà nhiều trường phổ thông đã làm trong thời gian qua, tôi cho rằng nói giáo viên lúng túng, xa lạ với đề thi có câu hỏi mở là chưa chính xác.

Dĩ nhiên, không phải tất cả học sinh đều có thể đáp ứng yêu cầu của câu hỏi mở. Đề thi THPT quốc gia sẽ có những phần câu hỏi cơ bản để học sinh đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT.

Các câu hỏi có tính phân hóa cao, câu hỏi mở dành cho học sinh ghi điểm để xét tuyển ĐH-CĐ. Số học sinh đạt điểm tối đa cho các câu hỏi này sẽ không nhiều.

* Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7. Ông có hướng dẫn gì đối với các nhà trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh? Và lời khuyên gì đối với các thí sinh ở thời điểm nước rút này?

- Theo quy định, năm học sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Học sinh lớp 12 khi đó không bắt buộc phải đến trường, phải đi học. Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn một tháng, các thí sinh sẽ khó bắt nhịp được vào kỳ thi, kiến thức có thể mai một.

Vì thế, các bậc phụ huynh phải hỗ trợ con em mình trong việc xây dựng kế hoạch tự học trong thời gian này. Các nhà trường cũng có thể tổ chức ôn tập cho học sinh nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo chất lượng.

Một tháng trước khi thi, các thí sinh không nên chạy đua vào nhiều lò luyện, lớp ôn thi mà cần dành thời gian hệ thống lại kiến thức, kiểm tra xem mình còn yếu, thiếu phần nào thì bổ sung phần đó.

Các em cần giữ gìn sức khỏe, rèn luyện để có tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi, thay cho việc lao vào ôn tập căng thẳng và thiếu khoa học.


3/  Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trương tổ chức Kì thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 như sau:

Ngày ban hành:03-02-2016
Tệp đính kèm: 525_BGDDT_KTKDCLGD.rar

   Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;

- Các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng;

- Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng);

- Cục Đào tạo (Bộ Công an).

 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Công văn số 743/VPCP-KGVX ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ); trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm Kì thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2015; tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo và toàn xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trương tổ chức Kì thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 như sau:

1. Tổ chức thi

a) Lịch thi

Tổ chức thi trong 4 ngày: Ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7 năm 2016.

b) Cụm thi

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức:

- Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH);

- Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp).

Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.

c) Môn thi

Giữ ổn định như năm 2015: Tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký dự thi (ĐKDT) 04 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 03 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT 04 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển sinh.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, ĐKDT để xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT các môn để xét tuyển sinh.

d) Đăng ký dự thi

- Thí sinh đang học tại cơ sở giáo dục nào thì ĐKDT tại cơ sở giáo dục đó;

- Thí sinh tự do: ĐKDT tại địa điểm do các sở GDĐT quy định sao cho thuận tiện nhất.

đ) Đề thi

Đề thi về cơ bản như năm 2015 (đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ).

e) Coi thi, chấm thi

Tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GDĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.

g) Thông báo kết quả thi

Các sở GDĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi.

Trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ 01 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học.

2. Xét công nhận tốt nghiệp THPT

Thực hiện như năm 2015: kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 04 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

3. Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy

a) Các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh.

b) Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPTQG để xét tuyển:

Về cơ bản giữ ổn định như năm 2015.

Có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển. Cụ thể:

- Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển;

- Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online);

- Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT;

- Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GDĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng ĐKXT vào ngành/nhóm ngành của trường; tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh;

- Các đợt xét tuyển:

+ Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo;

+ Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.

Trong quá trình triển khai cần chú trọng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi và tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế.

Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông báo nội dung trên đến các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để thực hiện./.

 

* Nội dung chi tiết đề nghị xem tại tệp đính kèm ./


   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn