Ngày 19-04-2024 07:46:14
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6683949
Số người online: 7
 
 
 
 
Chờ kế hoạch hành động của Thủ tướng
 
Quan điểm của Thủ tướng là “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ"
 
TTO - Từ những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về công tác cải cách hành chính mới đây, người dân hi vọng sẽ có chuyển động tích cực trong bộ máy nhà nước.
 
Chờ kế hoạch hành động 
của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác cải cách hành chính - Ảnh: TTXVN
Tôi ấn tượng với những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi ông nhậm chức đến nay.
Trước hết, đó là những ý kiến thẳng thắn, mạnh mẽ, mang tinh thần cải cách và đặc biệt là Thủ tướng đã nhận diện đúng tình hình.
Thủ tướng cũng tạo ấn tượng ở sự nêu gương của người đứng đầu qua các việc như không mua xe mới, nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi về vụ đoàn xe qua phố cổ Hội An...
Điều còn lại quan trọng hơn lời nói, mà với vị thế của một người dân tôi trông đợi là kế hoạch hành động cụ thể của Thủ tướng, của Chính phủ đối với từng lĩnh vực, từng vấn đề hạn chế, tồn tại đã được Thủ tướng chỉ ra.
Ví dụ, vấn đề yếu nhất trong cải cách hành chính, như Thủ tướng nhận định đó là công tác cán bộ, bộ máy đông mà không mạnh, công chức dư thừa mà lại thiếu người giỏi.
Thủ tướng lo rằng mình cứ hô hào nhưng bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở thì không chuyển động. Vậy Thủ tướng có kế hoạch hành động cụ thể gì để hạn chế, khắc phục những tồn tại, bất cập ấy?
Cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức lâu nay tồn tại thực trạng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Bây giờ Thủ tướng nói “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà, người tài ở bìa rừng góc bể cũng phải được trọng dụng”.
Tôi nghĩ rằng muốn đột phá phải có kế hoạch rất cụ thể như năm 2016 làm gì, năm 2017 thúc đẩy gì. Bộ máy dư thừa thì phải chỉ rõ chỗ nào dư thừa, bộ phận nào yếu, làm gì để cắt bỏ phần dư thừa và thay thế phần yếu.
Tôi kiến nghị Thủ tướng đã nhận định khâu cán bộ là yếu nhất, vậy thì hãy từ khâu yếu nhất này mà đột phá. Phải đổi mới thể chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Theo tôi, đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các vị trí chính khách, ở địa phương là chủ tịch, bí thư cấp tỉnh, ở trung ương là bộ trưởng trở lên vẫn theo quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm như hiện tại để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Số còn lại là các chức danh chuyên môn, từ thứ trưởng trở xuống đến tổng cục, cục, vụ, viện, phó chủ tịch UBND đều phải qua thi tuyển công khai, minh bạch theo các điều kiện, tiêu chí rõ ràng.
Đội ngũ công chức cũng vậy, tôi ủng hộ quan điểm của bà Phạm Chi Lan là nên bỏ cơ chế biên chế, thực hiện thi tuyển, khoán theo vị trí công việc, sau mỗi chu kỳ một hoặc hai năm lại tiến hành đánh giá (trên cơ sở chấm điểm của doanh nghiệp, người dân, đối tượng mà công chức đó phục vụ), nếu đạt yêu cầu thì tiếp tục hợp đồng, còn không phải loại bỏ.
Làm được như vậy, Thủ tướng sẽ không phải lo là mình cứ hô hào, còn bộ máy thì không chuyển động hoặc chuyển động ì ạch, sẽ đáp ứng được mong muốn của Thủ tướng là Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ.
Bộ máy hành chính phải được tổ chức công khai, minh bạch, thi tuyển cạnh tranh, có lên có xuống, có vào có ra chứ không phải là tuyển một lần ngồi mãi mãi, chỉ có thăng chức chứ không có giáng chức.
Tôi cho rằng nếu Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành quy chế theo hướng này thì họ chỉ cần hai năm để đưa ra các quy định cần thiết bởi kinh nghiệm trên thế giới đã có sẵn.
TS HOÀNG NGỌC GIAO, (viện trưởng viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển), Lê Kiên ghi
 
- Quan điểm của Thủ tướng là “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”. Mong rằng quan điểm này được các cấp dưới của Thủ tướng nắm và thực hiện nghiêm túc, để đừng tái diễn các vụ tương tự như “Xin Chào” hay “Điện thoại cùi bắp” nữa. Hữu Duyên (umumti@...)
- Tôi thích nhất câu này của Thủ tướng: “...vụ quán cà phê Xin Chào, có người nói là tại sao việc nhỏ như vậy mà Thủ tướng cũng phải có ý kiến...
Tôi hỏi lại người đó là nếu khởi tố bố của anh thì nó là việc nhỏ hay việc lớn. Chính phủ phải quán xuyến cả việc lớn và việc nhỏ”. Đúng lắm và rất cần những người như ông.
Nhưng Thủ tướng hãy tạo cơ chế giám sát một cách minh bạch các công chức của bộ máy, chúng tôi cần một cơ chế giám sát về lâu dài chứ không phải chỉ là hiện tượng như trên. Thoại (nguyenquocthoai@...)

 

Làm gì để lấy lại lòng tin?

TTO - Câu nói của Thủ tướng “Người dân thiếu niềm tin thì đất nước khó bình yên” có thể được coi là lời nhắc nhở, cảnh báo dành cho những người có trách nhiệm, đồng thời cũng là thách thức có ý nghĩa sinh tử đối với bộ máy quản trị quốc gia.

Sự giảm sút lòng tin của dân đối với chính quyền là có thật và có dấu hiệu gia tăng. Lý do chủ yếu là rất nhiều cam kết chắc nịch đã được đưa ra từ những vị trí được cho là có thẩm quyền, nhưng rồi những điều được hứa hẹn vẫn xa vời.

Ví dụ điển hình là những lời hứa về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Các quy định về kinh doanh có điều kiện, được biết nhiều hơn dưới tên gọi quy định về “giấy phép con”, được điểm mặt là nơi ẩn giấu các công cụ nhũng nhiễu.

Mặc dù pháp luật kinh doanh, được sửa đổi theo hướng hội nhập, đã khẳng định nguyên tắc người dân được làm tất cả trừ những điều cấm, đến nay vẫn còn mấy ngàn giấy phép con được duy trì kiểu rào cản “ngăn sông cấm chợ”.

Bị bắt gặp tại các thông tư và bị yêu cầu bãi bỏ, giấy phép con “chạy” sang các nghị định (nghĩa là tại cấp văn bản còn cao hơn) để nương náu.

Có nhiều nguyên nhân khiến chủ trương cải cách, đổi mới chậm được hiện thực hóa. Một trong những nguyên nhân chính được cho là sự chậm thay đổi trong nhận thức về bản chất mối quan hệ giữa nhà chức trách và người dân thường.

Với Nhà nước gọi là phục vụ, thành viên của bộ máy phải hiểu rằng mình có điều kiện làm việc và hưởng thù lao từ công việc là nhờ tiền thuế do dân đóng. Bởi vậy công chức, viên chức phải làm việc trong tâm thế người phục vụ.

Cũng với Nhà nước phục vụ, người dân hiểu rằng mình có quyền đòi hỏi bộ máy dịch vụ công phải làm việc cho mình.

Khi có gì cần phải đến công sở, người dân ở trong tư thế người được phục vụ, có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu được chỉ dẫn, yêu cầu giải quyết những vấn đề của mình.

Trong quan hệ giao tiếp với dân, công chức thường vẫn coi mình là người đi ban phát chứ không phải người phục vụ.

Lời cảm ơn của người ở cửa công dành cho người dân tìm đến công đường trong giao tiếp công vụ vẫn là điều mơ ước.

Mặt khác, nhiều đặc quyền đặc lợi dành cho quan chức vẫn được duy trì cách này cách nọ. Chiếc ghế quan chức luôn là đối tượng tranh giành quyết liệt, tạo động lực cho những cuộc chạy chức chạy quyền với đầy rẫy điều thị phi.

Về phần mình, người dân có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng vào vai người làm chủ, người được phục vụ, mà vẫn mang nặng tâm thế của người đi xin và chờ được cho.

Có công trình dân sinh gì đó hoàn thành, người dân được phỏng vấn nhân lễ khánh thành thường bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, thay vì nói lời cảm ơn theo phép lịch sự về sự phục vụ của chính quyền.

Đến cửa công mà bị làm khó, người dân thường chấp nhận chung chi hơn là dựa vào luật để làm cho ra lẽ. Một nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy người dân có sức chịu đựng ngày càng cao đối với nạn nhũng nhiễu.

Một khi tư tưởng ban phát còn tồn tại ở phía này và tư tưởng nhận ban phát còn ở phía kia, chẳng cách gì xây dựng được Nhà nước phục vụ và tạo được lòng tin của dân vào sự trong sạch của chính quyền.

Có thể chỉ ra ngay, chứ không phải như câu chuyện về quan hệ sinh thành con gà và quả trứng, là trước hết cần xóa bỏ suy nghĩ kiểu ăn trên ngồi trước ở quan chức.

Quan chức đổi sang tư thế phục vụ thì người dân mới có điều kiện xây dựng tâm thế ông chủ.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn