Ngày 07-05-2024 23:41:51
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6692507
Số người online: 7
 
 
 
 
Phân tích pháp lý lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 
gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 - Luật sư Trần Đình Hoành (Mỹ)


 

Phân tích pháp lý lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng





Quá nhiều ồn ào trống rỗng, quá nhiều pháp thuật phù thủy, cho lá thư chỉ có 2 đoạn ngắn của Thủ tướng VN Phạm Văn Đồng gửi đến Thủ tướng TQ Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958.

TQ thẩy lá thư lên Internet, phong cho nó chức Công Hàm Ngoại Giao. Và ai đó dịch sang tiếng Anh là diplomatic note.

Và Trung quốc, bậc thầy về nghệ thuật thả hỏa mù, nói Công hàm này có nghĩa là TT Phạm Văn Đồng đồng ý với tuyên bố chủ quyền của TQ về Hoàng Sa và Trường Sa.

Rất tiếc, một số quý vị chống cộng ở nước ngoài nhặt các tuyên truyền của TQ, và quảng cáo rầm rộ lá thư là Công Hàm Bán Nước. Vì vậy, lá thư trở thành huyền thoại, nhờ tuyên truyền của TQ.

Nhưng sự thật là tất cả mọi học giả tôi biết, kể cả các học giả không là luật sư, đều đồng ý là lá thư PVĐ chỉ nói đến một điều giản dị, đó là Thủ tướng PVĐ đồng ý với lãnh hải 12 hải lý mà TQ công bố năm 1958.

Phiên tòa giả lập dưới đây do tôi viết, giữa luật sư cho TQ (LsTQ), luật sư cho VN (LsVN) và thẩm phán đoàn 5 người của tòa trọng tài UNCLOS, thẩm vấn các luật sư qua một thẩm phán (TP), là dịp để chúng ta phân tích, tìm hiểu và chứng minh ý định của Thủ tướng PVĐ trong lá thư của ông.

Tôi cũng thêm các tiêu đề màu đỏ để giúp các bạn độc giả nắm được các lý thuyết pháp lý.

Trần Đình Hoành

_________

LẬP LUẬN CỦA TQ

LsTQ: Thưa các thẩm phán, bây giờ tôi sẽ nói đến Phụ lục A-101. Đó là bản dịch tiếng Anh của một công hàm ngoại giao từ Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi đến Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung quốc vào ngày 14 tháng 9 năm 1958. Phụ lục A-102 tiếp theo đó là một bản chụp của bản tiếng Việt nguyên thủy.

Phụ lục A-101

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

Phạm Văn Đồng
Thủ tướng
Nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hòa

Phụ lục A-102

phamvandong_to_zhouenlai_1958

TP: Cảm ơn luật sư. Tại sao luật sư gọi văn bản này là công hàm ngoại giao?

LsTQ: Bởi vì nó là một công hàm ngoại giao, thưa thẩm phán.

TP: Luật sự, tôi biết công hàm ngoại giao là gì. Các phái đoàn ngoại giao tại các Sứ quán và trụ sở ngoại giao dùng công hàm ngoại giao. Văn bản này xem giống như một lá thư do Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết. Có lý do nào để chúng ta không nên gọi văn bản này là “lá thư” không?

LsTQ: Không có lý do nào cả, thưa thẩm phán.

TP: Vậy sao chúng ta không loại bỏ nhầm lẫn và gọi văn bản này là “lá thư”, luật sư đồng ý với tôi chứ?

LsTQ: Vâng, thưa thẩm phán. Tôi sẽ gọi nó là “lá thư”.

TP: [Nói với 4 thẩm phán kia] Toàn Hội đồng xử án đồng ý với tôi chứ?

4 thẩm phán kia: Vâng.

TP: Tốt, vậy là chúng ta đã có một khởi đầu tốt. Xin luật sư tiếp tục. Luật sư muốn chúng tôi phải làm gì với lá thư này?

LsTQ: Thưa thẩm phán, lá thư đó chứng minh rằng Việt Nam đồng ý là Trung quốc có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TP: Tôi không thấy trong lá thư này có gì về Hoàng Sa và Trường Sa cả.

LsTQ: Tôi xin quý tòa đọc Phụ lục A-103. Đó là “Bản Tuyên Bố về Lãnh Hải của Trung Quốc” ngày 4 tháng 9 năm 1958. Lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là để trả lời Bản tuyên bố đó. Đoạn 4 của Bản tuyên bố đặc biệt nhắc đến “quần đảo Tây Sa” tức là Hoàng Sa, và “quần đảo Nam Sa” tức là Trường Sa.

Phụ lục A-103

Bản tuyên bố về Lãnh hải của Trung quốc

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

1. Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm đại lục Trung Quốc và các đảo gần bờ, cũng như Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, và các đảo khác của Trung quốc tách biệt khỏi đại lục và các đảo gần bờ bởi biển cả.

2. Lãnh hải Trung quốc dọc theo đại lục và các đảo gần bờ có đường cơ sở là đường tạo nên bởi các đường thẳng nối các điểm cơ sở trên bờ biển đại lục và trên các đảo gần bờ nằm phía ngoài nhất; phần nước 12 hải lý tính ra từ đường cơ sở này là lãnh hải của Trung Quốc. Phần nước bên trong đường cơ sở, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là nội thủy của Trung Quốc. Các đảo bên trong đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, các đảo Mã Tổ, các đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khâu, Ðại và Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm, và đảo Đông Đĩnh, là các đảo thuộc nội thủy của Trung Quốc.

3. Tàu bè quân sự nước ngoài và máy bay nước ngoài không được đi vào lãnh hải của Trung quốc và không gian bên trên lãnh hải, nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Khi di chuyển trong lãnh hải Trung Quốc, mọi tàu bè nước ngoài đều phải tuân thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

4. Các nguyên tắc quy định trong Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Khu vực Ðài Loan và Bành Hồ hiện tại vẫn bị Hoa Kỳ xâm chiếm bằng quân đội. Ðây là hành vi phi pháp, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan, Bành Hồ và các vùng khác như thế đang chờ được thu phục, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng vào thời gian thích ứng để lấy lại các vùng này. Đây là việc nội bộ của Trung quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp.

Nguồn: Trần Đình Hoành dịch từ https://unclosforum.files.wordpress.com/2014/07/china-declaration-on-territorial-sea-1958.pdf

TP: Vâng, tôi thấy.

LsTQ: Thưa quý tòa, đoạn đầu của lá thư của Thủ tướng Đồng nói rõ: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.”

TP: Vậy luật sư muốn kết luận thế nào từ đó?

LsTQ: Kết luận là Việt Nam đã đồng ý rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung quốc.

LẬP LUẬN CỦA VIỆT NAM

TP: Tôi hiểu. Luật sư cho Việt Nam, luật sư muốn trả lời thế nào?

Ý định của tác giả (author’s intention)

LsVN: Cảm ơn quý tòa. Và cảm ơn Luật sư cho TQ. Tôi xin được phép nhắc nhở tất cả chúng ta là nhiệm vụ của chúng ta hôm nay không phải là điền tư tưởng riêng của chúng ta vào lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra ý định của Thủ tướng Đồng trong lá thư của ông. Ý định của Thủ tướng Đồng là gì? Thủ tướng muốn nói gì trong lá thư đó?

Quy tắc “trong 4 góc” (Within-four-corners rule)

Vì Thủ tướng Đồng không còn đây để giải thích lá thư của ông, quy tắc đầu tiên chúng ta cần dùng là tìm ý định Thủ tướng Đồng trong bốn góc của lá thư.

Bên trong bốn góc của lá thư, chúng ta không thấy gì về Hoàng Sa và Hoàng Sa cả, phải không ạ?

Hợp nhất bằng nhắc đến – Incorporation by reference

Bây giờ, như là Luật sư của Trung quốc mong muốn, chúng ta dùng quy tắc hợp nhất bằng nhắc đến, để kết nối Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc vào lá thư của Thủ tướng Đồng. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều thứ trong Bản tuyên bố: lãnh hải 12 hải lý, phương pháp đường cơ sở thẳng và “các đảo thuộc nội thủy của Trung quốc”, lệnh cấm tàu bè và máy bay nước ngoài vào trong lãnh hải và không gian bên trên lãnh hải, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa tức Pratas, quần đảo Tây Sa tức là Hoàng Sa, quần đảo Nam Sa tức Trường Sa, và quần đảo Trung Sa tức Macclesfield Bank và Scarborough Shoal.

Nhưng lá thư của Thủ tướng Đồng không nhắc đến bất kì điều gì trong số những điều này, ngoại trừ một điều duy nhất: lãnh hải 12 hải lý.

Không phải điều này nói với chúng ta một điều rất rõ rệt sao?

Cái đặc thù làm chủ cái tổng quát – The specific governs the general

Tôi xin phép được chỉ ra rằng Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc không phải là một lá thư. Đó là một văn bản của chính phủ Trung quốc nói chung, không có chữ ký của ai, để nói với thế giới chung chung, không phải để gửi đặc biệt cho ai. Nhưng lá thư của Thủ tướng Đồng là một văn bản đặc thù, do một người đặc thù viết, đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để gửi cho một người đặc thù là Thủ tướng Chu Ân Lai.

Một quy tắc quen thuộc để giải thích văn bản là “Cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”. Trong trường hợp này, cái đặc thù là lá thư của Thủ tướng Đồng. Lá thư do đó làm chủ Bản tuyên bố. Nếu lá thư nhắc đến chỉ một chuyện và loại trừ các chuyện khác, thì đó chính là ý định của Thủ tướng Đồng trong lá thư.

Nếu chúng ta đọc lại lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy Thủ tướng Đồng không những lờ đi mọi điểm của Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của TQ, mà lại đặc biệt nhắc đến một điểm đặc thù: đó là bề rộng lãnh hải 12 hải lý mà Trung quốc tuyên bố.

Lá thư của Thủ tướng Đồng chỉ có 2 đoạn chính. Trong đoạn đầu, ông nhắc đến một cách tổng quát “hải phận của Trung quốc”: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.”

Trong đoạn thứ hai, Thủ tướng Đồng đặc biệt nhắc đến “hải phận 12 hải lý”: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.”

Cái đặc thù làm chủ cái tổng quát. Đoạn thứ hai của lá thư làm chủ đoạn đầu. Nghĩa là, hải phận 12 hải lý là điểm mà Thủ tướng Đồng muốn nói đến trong lá thư.

Expressio unius est exclusio alterius (Nói đến một điều là loại bỏ các điều khác)

Hơn nữa, một quy tắc quen thuộc khác để giải thích văn bản là Expressio unius est exclusio alterius, tức là Nói đến một điều là loại bỏ những điều khác. Như chúng tôi đã nói, Bản Tuyên Bố của Trung quốc nói đến nhiều điều: Lãnh hải 12 hải lý, các đường cơ sở thẳng, đại lục và những đảo thuộc nội thủy, Đài Loan và 5 quần đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng lá thư của Thủ tướng Đồng nói đến chỉ một điểm: Lãnh hải 12 hải lý.

Việc nhắc đến lãnh hải 12 hải lý chỉ ra rất rõ ràng là Thủ tướng Đồng muốn loại bỏ mọi điều khác có ghi trong Bản Tuyên Bố của Trung quốc.

Tôi nghĩ rằng tất cả các quy tắc giúp chúng ta tìm ý định của Thủ tướng Đồng trong lá thư của ông đã đủ để chúng ta kết luận rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn loại bỏ tất cả mọi điều ra khỏi lá thư của ông, ngoại trừ một điều duy nhất—lãnh hải 12 hải lý.

TP: Luật sư, nếu chúng tôi đi theo đường lý luận của luật sư, luật sư có giải thích tại sao Thủ tướng Đồng muốn loại bỏ mọi điều ra khỏi lá thư của ông ngoại trừ lãnh hải 12 hải lý?

Hoàn cảnh lịch sử – Historical circumstances

LsVN: Cảm ơn quý tòa đã hỏi câu này. Một quy tắc khác để giải thích một văn bản là nhìn vào hoàn cảnh xung quanh việc hình thành văn bản đó. Tôi xin được trình bày hoàn cảnh lịch sử xung quanh lá thư của Thủ tướng Đồng vào năm 1958, để làm rõ ý định của Thủ tướng Đồng trong lá thư của ông.

Một phần của lịch sử có thể thấy ngay trên Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc, Phụ lục A-103.

Bản Tuyên Bố của Trung quốc có 4 đoạn:

- Đoạn 1 nói về lãnh hải 12 hải lý.

- Đoạn 2 nói về phương pháp các đường cơ sở thẳng, và một danh sách các đảo “bên trong đường sơ sở” là “các đảo thuộc nội thủy của Trung quốc”.

- Đoạn 3 cấm tàu bè quân sự và máy bay đi vào lãnh hải và không gian trên lãnh hải. Đoạn 3 này rất là thú vị, chúng ta sẽ trở lại đoạn này sớm.

- Đoạn 4 nói đến Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (tức là Pratas), quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (tức Macclesfiled Bank và Scarborough Shoal), và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa).

Tất cả các đảo và quần đảo trong đoạn 4 của Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc vào năm 1958 đã có, và ngày nay vẫn tiếp đục đang có, tranh chấp với các nước khác: Đài Loan, Bành Hồ, và Pratas đã và vẫn đang do Đài Loan nắm giữ. Hoàng Sa được cả Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn và nắm giữ mỗi bên một nửa, qua chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, cho đến khi Trung quốc giật phần Hoàng Sa từ trong tay VNCH bằng vũ lực năm 1974. Trường Sa đã và vẫn đang được Việt Nam, Phi Luật Tân, và Trung quốc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn và nắm giữ từng phần. Maccelesfiled Bank và Scarborough Shoal đã và vẫn đang do Trung quốc và Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền hoàn toàn và nắm giữ từng phần.

Tóm lại, vào năm 1958 khi viết Bản Tuyên Bố Lãnh Hải, Trung quốc biết là họ đang tranh chấp với các láng giềng của họ về Đài Loan và các quần đảo nhắc đến trong Đoạn 4 của Bản Tuyên Bố.

Lãnh thổ và lãnh hải – Land territory v. territorial sea

Điều thú vị là Đoạn 3 đi trước Đoạn 4.

Đoạn 3 nói: “Tàu bè quân sự nước ngoài và máy bay nước ngoài không được đi vào lãnh hải của Trung quốc và không gian bên trên lãnh hải, nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi di chuyển trong lãnh hải Trung Quốc, mọi tàu bè nước ngoài đều phải tuân thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Tại sao Trung quốc tuyên bố lãnh hải 12 hải lý trong Đoạn 1, và kể danh sách đại lục và các đảo thuộc nội thủy ở Đoạn 2, và công bố cấm tàu bè và máy bay nước ngoài trong lãnh hải ở Đoạn 3, rồi cuối cùng mới thêm ở Đoạn 4 Đài Loan và 5 quần đảo kia – kể cả Hoàng Sa và Trường Sa – sau điều lệ cấm của Đoạn 3, như là quên rồi thêm vào sau, như một cái đuôi thừa?

Phải chăng đó là bằng chứng Trung quốc rất không chắc chắn về chủ quyền của họ trên Đài Loan và 5 quần đảo này, không chắc chắn về chủ quyền của TQ trên lãnh thổ các đảo và quần đảo này, và do đó không chắc chắn về lãnh hải của TQ quanh các đảo và quần đảo này, và không chắc chắn về khả năng của TQ trong việc thi hành các tuyên bố chủ quyền trên các đảo và quần đảo này?

Tôi sẽ để quý tòa phán xét về việc ấy. Phần tôi, câu trả lời của tôi là “Vâng, đúng” cho mọi câu hỏi này.

Vấn đề chính đối với đảo Đài Loan và 5 nhóm quần đảo trong Đoạn 4 của Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc là vấn đề chủ quyền trên lãnh thổ, thực sự không phải là vấn đề lãnh hải.

Và Phụ Lục A -103 này, là Bản Tuyên Bố về Lãnh Hải của Trung quốc.

Lãnh thổ và lãnh hải là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trung quốc biết sự khác biệt nó, cho nên giữ Đài Loan và 5 nhóm hải đảo – kể cả Hoàng Sa và Trường Sa – trong một chỗ, đó là Đoạn 4 của Bản Tuyên Bố,

Và đương nhiên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết sự tranh chấp về lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, và ông làm một quyết định khôn ngoan là không nói đến lãnh thổ trong một Bản Tuyên Bố về Lãnh Hải của Trung quốc.

Và ông loại bỏ chuyện đó ngoài lá thư của ông.

Hoàn cảnh lịch sử (tiếp theo) — Historical Circumstances (continuing)

Một phần nữa của lịch sử không có rõ trong Bản Tuyên Bố Lãnh Hải, nhưng có liên hệ trực tiếp đến các sự kiện quan trọng đến cuộc chiến Việt Nam (mà người Việt Nam gọi là Cuộc chiến chống Mỹ). Chúng tôi có Phụ lục A-104 “Những hoàn cảnh lịch sử xung quanh lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958” cho quý tòa trong tập Phụ lục của chúng tôi.

Nói ngắn gọn, Hiệp định Geneva 1954 giữa Pháp và chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam tạm thời chia Việt Nam thành 2 phần tại vĩ tuyến 17. Phía bắc vĩ tuyến 17 là chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (mà chúng ta sẽ gọi tắt là “Bắc Việt Nam”), phía nam vĩ tuyến 17 là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (mà chúng ta sẽ gọi tắt là “Nam Việt Nam”).

[ Đây là “Hiệp Định Đình Chiến tại Việt Nam (Agreement to End Hostilities in Vietnam)”, ký ngày 20 tháng 5 năm 1954 giữa Pháp và Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, có tại https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/genevacc.htm ]

Bản Công Bố Cuối Cùng của Hội Nghị Geneva ghi rõ: Việc chia cắt tạm thời này là để đình chiến và “không nên được diễn giải bất kì cách nào như là tạo ra đường ranh giới chính trị hay lãnh thổ”. Một cuộc trưng cầu dân ý để thống nhất lãnh thổ dưới một chính phủ được định cho tháng 7 năm 1956.

[Xem The Final Declaration of The Geneva Conference: On Restoring Peace in Indochina, July 21, 1954, Điều 6-8, có tại http://www.fordham.edu/halsall/mod/1954-geneva-indochina.html ]

Chính phủ Nam Việt Nam chịu trách nhiệm Hoàng Sa và Trường Sa, vì cả hai quần đảo này đều ở phía nam vĩ tuyến 17.

Cuộc trung cầu dân ý đã định cho tháng 7 năm 1956 đã không bao giờ xảy ra, vì chính phủ Nam Việt Nam, và đồng minh là Mỹ, không đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý.

Sau nhiều thất bại trong việc yêu cầu Nam Việt Nam tổ chức trưng cầu dân ý để thống nhất đất nước, viễn ảnh của một cuộc chiến Nam Bắc bắt đầu xuất hiện. Một bên là miền Bắc muốn một đất nước thống nhất và độc lập, như hoài bão trong trận chiến chống thực dân Pháp trước đó. Một bên là miền Nam có vẻ như muốn vĩ tuyến 17 thành ranh giới vĩnh viễn.

Bắc Việt Nam lúc đó có hai đồng minh lớn: Liên Xô và Trung quốc.

Đó là bối cảnh lịch sử năm 1958 khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lá thư của ông. Ông có 4 lý do để không nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa trong lá thư:

  1. Ông cần phải giữ một mặt trận vững chắc cho cuộc chiến sắp đến và không muốn tạo một đường nứt trong mặt trận bằng cách cãi nhau với một đồng minh về vấn đề lãnh hải.
  1. Bắc Việt Nam thực ra không có quyền kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa, vì cả hai nằm ở phía nam vĩ tuyến 17.
  1. Vấn đề chính của Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền lãnh thổ, không phải là lãnh hải. Không có nhu cầu phải làm rối rắm vấn đề bằng cách nói về 2 quần đảo này khi trả lời Bản Tuyên Bố Lãnh Hải của Trung quốc.
  1. Nam Việt Nam đang điều hành và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và sẽ tự động bảo vệ lãnh thổ trước những tuyên bố chủ quyền hay hành vi xâm lược của nước nào đó.

Thư quý tòa, hoàn cảnh lịch sử giải thích rất rõ tại sao Thủ tướng Phạm Văn Đồng chọn gạt bỏ mọi thứ ra ngoài lá thư của ông gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958, ngoại trừ một điểm duy nhất: lãnh hải 12 hải lý.

Thủ tướng không phải là Quốc gia – The Prime Minister not The Country

Một điểm nhỏ tôi cần nói đến ở đây là Trung quốc có khuynh hướng đồng hóa lá thư hai đoạn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai như là quyết định của nước Việt Nam.

Bản Tuyên Bố của Trung quốc ra ngày 4 tháng 9 năm 1958. Mười ngày sau đó, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi lá thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai.

Mười ngày thì không đủ thời gian để hỏi ý kiến của một số bộ ngành trong chính phủ, chưa nói đến thủ tục để có sự đồng ý của quyền lực tối cao trong nước. Nhượng đất nhượng biển đòi hỏi sự đồng ý của quyền lực tối cao của quốc gia, đó là Quốc hội.

Vậy tôi đề nghị là chúng ta gọi lá thư của Thủ tướng PVĐ là lá thư của Thủ tướng PVĐ.

Kết luận – Conclusion

Tôi xin được nhắc lại với quý tòa là chúng ta không ở đây để điền ý muốn của chúng ta vào lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng ta ở đây để xác định ý định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lá thư của ông gửi đến Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958. Từ các quy tắc giải thích văn bản đến hoàn cảnh lịch sử, chúng ta đã thấy một mô hình nhất quán nhiều lần đưa đến cùng một kết luận duy nhất: Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết, và có ý định viết, một điều duy nhất trong lá thư của ông, đó là chiều rộng 12 hải lý mà Trung quốc tuyên bố.

Đọc các thảo luận nguyên thủy trên diễn đàn UNCLOSforum tại:

https://groups.google.com/forum/?hl=vi&fromgroups#!topic/unclosforum/RDHGgAzHPow

Nguồn: http://unclosforum.com/2014/07/06/phan-tich-phap-ly-la-thu-cua-thu-tuong-pham-van-dong-gui-thu-tuong-chu-an-lai-ngay-14-thang-9-nam-1958/

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn