Ngày 07-05-2024 22:49:44
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6692496
Số người online: 4
 
 
 
 
PHẠM HÙNG Ở SÀI GÒN NĂM 1955
 

 
Trang nhà / Thư viện tài liệu / Nam bộ đất và người / PHẠM HÙNG Ở SÀI GÒN NĂM 1955

PHẠM HÙNG Ở SÀI GÒN NĂM 1955

Để bảo đảm cho việc thi hành hiệp định Genève được nghiêm chỉnh, Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương dành hẳn một chương – chương VI – với 19 điều cho hoạt động của Ban Liên hợp đình chiến và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ở Việt Nam.

Ban Liên hợp gồm một số đại biểu bằng nhau của hai Bộ Tổng tư lệnh (Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương), có nhiệm vụ bảo đảm việc thực hiện ngưng bắn, tập kết chuyển quân, tôn trọng giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi sự. Ngoài Ban Liên hợp trung ương, còn có Ban Liên hợp ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.

Đồng chí Phạm Hùng, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Trung ương cục Miền Nam, mang quân hàm đại tá, được cử làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam trong Ban Liên hợp Nam bộ.

Đoàn đại biểu Việt Nam ở tại Búng Tàu, cách trụ sở của Ban Liên hợp Nam bộ (đóng tại thị trấn Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ) khoảng 4-5 cây số. Đây là vùng sông nước nên đồng chí Phạm Hùng và các thành viên trong đoàn thường di chuyển bằng tàu thủy mang tên Hòa Bình.

Ở Nam bộ, việc tập kết chuyển quân diễn ra tương đối suôn sẻ trong thời gian 200 ngày. Ngày 31-1-1955, tức sau Tết Ất mùi 8 ngày, đồng chí Phạm Hùng phát biểu trong một buổi lễ được tổ chức long trọng tại sân vận động thị trấn Cà Mau có sự tham dự của đại diện quân Pháp. Bốn tuần lễ sau, đồng chí Phạm Hùng và các thành viên trong đoàn Việt Nam ra Hà Nội.

Như đã nói ở trên, ngoài Ban Liên hợp đình chiến, còn có Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ở Việt Nam. Ủy ban quốc tế gồm 3 phái đoàn Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do trưởng phái đoàn Ấn Độ làm chủ tịch. Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, tổ chức quốc tế này có nhiệm vụ kiểm soát, quan sát, kiểm tra và điều tra việc thi hành hiệp định Genève của hai bên Việt Nam và Liên hiệp Pháp. Ủy ban quốc tế có hai trụ sở tại Hà Nội và Sài Gòn. Hai Bộ Tổng tư lệnh đặt các phái đoàn liên lạc bên cạnh Ủy ban quốc tế. Lúc đầu, Liên hiệp Pháp có 2 phái đoàn liên lạc ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, còn ta chỉ có 1 phái đoàn liên lạc ở Hà Nội. Ta đòi đặt thêm một phái đoàn liên lạc ở Sài Gòn. Mãi đến ngày 31-3-1955, Pháp mới chịu ký với ta một nghị định thư quy định về trụ sở, việc tiếp tế, việc đi lại, các biện pháp an ninh… của phái đoàn liên lạc của ta ở Sài Gòn.

Ngày 10-3-1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ký giấy ủy nhiệm số 150-UN/TTL cử đồng chí Phạm Hùng làm trưởng phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế. Đồng chí Phạm Hùng còn giữ chức bí thư Đoàn ủy.

Ngày 16-5, đồng chí Phạm Hùng hướng dẫn phái đoàn vào Phủ chủ tịch chào Bác Hồ trước khi bay vào Sài Gòn làm nhiệm vụ. Một thành viên trong phái đoàn tường thuật:

“Lúc 2 giờ kém 15, chúng tôi xếp hàng hai đi bộ đến Phủ chủ tịch. Chúng tôi được đưa vào phòng khách lớn. Khi [chúng tôi] đã ngồi đâu đó xong xuôi thì Bác Hồ xuất hiện… Chúng tôi đứng dậy, vỗ tay hồi lâu. Bác đưa hai tay ra hiệu và bảo: ”Các chú ngồi xuống”.

Anh Phạm Hùng giới thiệu với Bác từng người một trong phái đoàn cùng nhiệm vụ được giao.

Bác nói: ”Các chú vào Sài Gòn, phải hết sức cảnh giác, tránh đạn bọc đường. Các chú là ngọn cờ cách mạng giương cao trong lòng địch, như cây đinh đâm vào mắt chúng. Nhất định chúng sẽ tìm cách nhổ ra. Bác chúc các chú lên đường mạnh khỏe và trông tin vui của các chú”.

Anh Phạm Hùng thay mặt anh em hứa với Bác sẽ làm theo lời Bác dạy, chúc Bác mạnh khỏe sống lâu.

Bác nói: “Các chú làm việc tốt, lập được nhiều thành tích là Bác sẽ khỏe mạnh sống lâu”.

Buổi gặp mặt kết thúc. Bác đứng dậy, chúng tôi cũng đứng theo, vỗ tay cho đến khi Bác đi khuất. Chúng tôi ra về.

Đến sân cỏ, [chúng tôi] gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào. Đại tướng bắt tay chúng tôi và chúc lên đường mạnh khỏe”[1].

Sáng hôm sau, hai chiếc Dakota của Pháp đưa phái đoàn của ta từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào sân bay Tân Sơn Nhứt (Sài Gòn). Mấy hôm sau, đồng chí Phạm Hùng vào Sài Gòn bằng máy bay của Ủy ban quốc tế.

Trước đó, đồng chí Phạm Hùng đã cử đại úy Nguyễn Văn Thơm (bí danh Sơn Việt) và đồng chí Nguyễn Văn Kha (bí danh Tự) vào Sài Gòn đi tiền trạm để chuẩn bị trụ sở của phái đoàn. Sau một thời gian chọn lựa, hai đồng chí chấp thuận căn biệt thự ở địa chỉ 61, đường Chi Lăng, ấp Đông Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là số 87 A, đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây vốn là nhà của một viên quan năm (trung tá) trong quân đội Pháp (nên dân chúng địa phương quen gọi là “nhà ông Năm”) đã bỏ trống từ lâu. Một thành viên trong phái đoàn mô tả : “Nhà nằm cách đường Chi Lăng khoảng chục mét, diện tích khoảng 200 mét vuông. Chung quanh có tường rào bằng gạch. Phía trước là hàng rào song sắt nên đi ngoài đường vẫn có thể nhìn vào nhà được. Ngôi nhà chính có nền cao là nơi làm việc. Phía sau có dãy nhà phụ, có bếp ở giữa và ga-ra ô-tô bên cạnh. Nhà chính và nhà phụ nối bằng một hành lang rộng mát, là nơi anh em thường ngồi ăn cơm, nói chuyện, đánh tú-lơ-khơ hoặc cờ tướng. Chung quanh nhà có vườn. Bên hông có đường đi. Thông thường vào buổi chiều, chúng tôi ra phía sau nhà đá bóng rồi tắm rửa trước khi ăn cơm tối. Phía trước có cây xoài lâu năm, phía sau có cây thị cổ thụ. Ngoài ra còn có khoảnh đất trống để trồng rau”[2].

Nhiệm vụ của phái đoàn liên lạc phức tạp và khó khăn hơn thời Ban Liên hợp đình chiến. Bây giờ, cán bộ và chiến sĩ của ta đã tập kết; ở Miền Nam không còn vùng giải phóng, không còn chính quyền, quân đội và đoàn thể cách mạng nữa, Đảng phải chuyển sang hoạt động bí mật như thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Bất chấp khoản C Điều 14 của Hiệp định Genève “mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ”[3], ngày 11-4-1955 chính quyền Ngô Đình Diệm phát động “chiến dịch tố Cộng” nhằm truy lùng, bắt bớ, bắn giết những người yêu nước từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, các thành viên của phái đoàn phối hợp với Ủy ban quốc tế tiến hành điều tra để vạch trần các vi phạm của chính quyền Diệm.

Điều 6 và 7 của bản Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève khẳng định vĩ tuyến 17 là “giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời” và dự kiến một cuộc tổng tuyển cử ở hai vùng Nam Bắc để thống nhất đất nước “sẽ tổ chức vào tháng bảy năm 1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế … Kể từ ngày 20 tháng bảy năm 1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”[4].

Thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Genève, ngày 6-6-1955, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố “sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục có thẩm quyền ở Miền Nam bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1955 để bàn về vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7 năm 1966”[5].

Điều đáng ngạc nhiên là người đầu tiên lên tiếng bác bỏ đề nghị nói trên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là những nhà đương cục có thẩm quyền ở Miền Nam mà là ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Điều đáng ngạc nhiên nhưng không phải khó hiểu. Trong bức điện gửi nhiều người (trong đó có tướng Walter Bedell Smith, thứ trưởng bộ Ngoại giao kiêm trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị Genève), Dulles tiên đoán :”Sự thật không còn nghi ngờ gì nữa, bầu cử cuối cùng có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền Hồ Chí Minh”[6] vì, như tổng thống Eisenhower viết trong hồi ký, nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước, “Hồ Chí Minh có thể thu được 80 %  số phiếu”[7].Trước đề nghị của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Dulles tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 28-6-1955 : “Cả Mỹ lẫn chính phủ Việt Nam [chỉ chính quyền Ngô Đình Diệm] đều không phải là một bên ký hiệp định Genève. Chúng tôi không ký nó và chính phủ Việt Nam cũng không ký nó, và còn phản đối nó… Chúng tôi không sợ bầu cử, miễn là bầu cử phải được tiến hành trong điều kiện tự do thật sự mà hiệp định Genève đòi hỏi”[8]. Mãi tới ngày 16-7-1955, Ngô Đình Diệm mới lên tiếng, chỉ lặp lại tuyên bố hai tuần lễ trước của ngoại trưởng Mỹ: “Chúng ta không ký hiệp định Genève. Bất cứ phương diện nào, chúng ta cũng không thể bị ràng buộc bởi hiệp định đó ký kết trái với ý nguyện của toàn dân Việt Nam”[9].

Không chỉ bác bỏ hiệp thương tổng tuyển cử bằng lời nói, chính quyền Diệm còn tổ chức trong các ngày 11, 13 và 20-7-1955 nhiều cuộc biểu tình trước nơi ở và làm việc của Ủy ban quốc tế (tổ chức sẽ giám sát cuộc tổng tuyển cử) trên đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng), khách sạn Majestic, khách sạn Trần Hưng Đạo để lên án hiệp định Genève, phản đối ủy ban Quốc tế, đòi phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút về Miền Bắc…

Trước ý đồ ngày càng lộ liễu của Mỹ và chính quyền Diệm phá hoại hiệp định Genève, Trung ương quyết định điều động đồng chí Phạm Hùng về Hà Nội để làm Trưởng Ủy ban Thống nhất của Chính phủ, cử đồng chí Nguyễn Văn Vịnh vào thay.

Một buổi sáng tháng 7-1955, đồng chí Phạm Hùng nói với đại úy Nguyễn Văn Thơm : “Tôi sắp trở về Hà Nội. Trước khi đi, anh bố trí cho tôi thăm Ba Son, bến tàu và đi vòng Thành phố trên vài con đường lớn”. Chuyến đi được tổ chức an toàn. Đồng chí Thơm phát biểu cảm tưởng : “Đó là tấm lòng của anh, người chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng Sài Gòn. Anh muốn ghi lại tất cả những hình ảnh quen thuộc và đầy kỷ niệm trước khi tạm biệt Sài Gòn trở về Hà Nội”[10].

Thời gian đồng chí Phạm Hùng công tác tại Sài Gòn chỉ khoảng 2 tháng, nhưng đây là những ngày đáng nhớ.

Đúng như lời Bác Hồ đã nói trong buổi gặp mặt trước ngày phái đoàn liên lạc lên đường, sự hiện diện của phái đoàn ở giữa đô thành Sài Gòn như cây đinh đâm vào mắt địch, nhất định chúng sẽ tìm cách nhổ ra. Hoạt động ngay trong hang ổ của địch, phái đoàn phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thù nghịch của địch như cho cảnh sát bao vây theo dõi, đặt máy nghe trộm, thỉnh thoảng cắt điện nước, thậm chí ném đá, bắn lén vào trụ sở…

Nhưng mặt khác, vẫn theo lời Bác Hồ, phái đoàn là ngọn cờ cách mạng giương cao trong lòng địch, mang lại cho đồng bào Miền Nam niềm tin đất nước sẽ thống nhất dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ. Một thành viên của phái đoàn kể : “Ngoài sân trước trụ sở không có cột cờ, nhưng ngay bên trong phòng khách chính có treo trên tường lá cờ đỏ sao vàng lớn, dưới là ảnh Bác Hồ để trên tủ buffet. Do sân hẹp, hành lang trống trải, hàng rào song sắt, nên bà con đi ngoài đường có thể nhìn rõ cờ và ảnh. Các cô chú và các cháu mỗi lần qua lại trước trụ sở đều đi chậm để ngắm nhìn”[11].

Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa ký quyết định số 1288 – VH/QĐ công nhận trụ sở phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế là di tích lịch sử quốc gia.

Phan Văn Hòang

Nguồn: Nam bộ Đất và Nguời tập 9


Cuộn lên đầu trang

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn